Báo cáo Thị trường : Ngành chăn nuôi bò thịt Đông Nam Á

Ấn bản số 90: tháng 5 năm 2021.

Điểm tin chính

  • Giá bò non của Úc vẫn giữ ở mức trên $4/ kg hơi (1 đô la Úc ~17,900 đồng)
  • NACC, một nhà xuất khẩu gia súc lớn của Úc tuyên bố phá sản
  • Việt Nam bắt đầu nhập khẩu trở lại vào tháng 5

In-đô-nê-si-a: Giá gia súc trưởng thành ở mức 4,59 đô la Úc/kg hơi ( 1 đô la Úc ~ 11.100 Rp)

Giá gia súc trưởng thành hiện nay đã ổn định hơn, mặc dù đã có nhiều biến động vào cuối tháng 5. Do các yếu tố cung và cầu biến động nhiều hơn bình thường nên ảnh hưởng tới giá chào bán, mức giá giao động từ 49.500 Rp đến 55.000 Rp/kg thịt hơi. Sau khi xem xét nhiều yếu tố cạnh tranh khác nhau, tôi đưa ra giá trung bình cho tháng 5 ở mức 51.000 Rp. Nguồn cung chắc chắn bị hạn chế bởi số lượng gia súc tại các trang trại vỗ béo tập trung thấp, trong khi giá bán lẻ đã ổn định với mức giá còn cao hơn mức giá trong các tháng Ramadan/Lebaran. Trên thực tế, doanh số bán gia súc sống và thịt tươi rất thấp, cho nên không có gì ngạc nhiên khi giá cả biến động mạnh.

Qurban là lễ hội hiến tế của người Hồi giáo, trong đó gia súc, cừu và dê bị giết thịt để phân phát cho người nghèo. Năm nay lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 7, theo thông lệ thì gia súc, cừu và dê địa phương được giữ lại trong vài tháng trước ngày tổ chức lễ hội để đảm bảo đủ số lượng, và để tận dụng mức giá ưu đãi từ 10-20% cho sự kiện đặc biệt này. Vì lý do này, nguồn cung trong nước thường khan hiếm trong vài tháng trước khi sự kiện bắt đầu, điều này cũng góp phần ảnh hưởng tới giá cả thị trường. Giá gia súc địa phương thường thấp hơn giá gia súc nhập khẩu, nhưng do nhu cầu phục vụ cho lễ hội Qurban đã đẩy giá gia súc nội địa tăng ngang bằng với giá nhập khẩu, và dự báo là sẽ còn tăng cao hơn giá gia súc nhập khẩu khi lễ hội đến gần.

Theo truyền thống, khoảng thời gian giữa lễ hội Lebaran và Qurban thường được ưu tiên cho đám cưới và các dịp ăn mừng khác, do đó nhu cầu thực phẩm gia tăng, trong đó có thịt bò – loại thịt được ưa chuộng nhất. Đây cũng là một động lực khác làm tăng nhu cầu và đẩy giá bán lẻ lên cao.

Thêm một tin tức mới tôi muốn chia sẻ đó là giá thức ăn chăn nuôi đã tăng nhanh trong các trang trại vỗ béo tập trung. Sự cải tiến trong công nghệ chế biến thực phẩm đã gây ảnh hưởng tới nguồn cung đầu vào cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Ứớc tính chi phí cho thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 10%. Ví dụ như phụ phẩm thải ra từ quá trình chế biến tinh bột sắn được gọi là onggok. Đây là một nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ tuyệt vời cho ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng khi công nghệ thực phẩm cải thiện, giúp tăng hàm lượng tinh bột trong tinh bột sắn cho con người, thì vô hình chung đã làm giảm lượng phụ phẩm thải ra. Một ví dụ khác là bột dừa (hay cám dừa) – phụ phẩm thải ra sau khi cùi dừa được chiết suất để lấy tinh dầu. Đây là một quy trình thủ công tốn thời gian. Cũng giống như mọi nơi khác trên thế giới, người sản xuất luôn luôn chuyển đổi sang lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn, cây trồng khác có năng suất hơn, dẫn đến nguồn cung cấp cám dừa giảm mạnh. Điều này đang xảy ra đối với nhiều loại “phụ phẩm” từ sản phẩm nông nghiệp, vốn là xương sống của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, xu hướng nguồn cung giảm và giá cao hơn có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Lần đầu tiên tôi được chứng kiến giá bán lẻ thịt bò ở chợ truyền thống tăng chóng mặt sau lễ hội Lebaran. Phóng viên của tôi tại Jakarta cho biết giá thịt bò đùi gọ tại thị trường truyền thống thành phố Bumi Serpong Damai của tỉnh Pasar Modern đã tăng từ 145.000 Rp/kg trong thời kỳ lễ hội Lebaran lên 160.000 Rp/kg vào cuối tháng 5. Giá thịt bò đùi gọ trong siêu thị chỉ tăng từ mức được chiết khấu (142.000 Rp/kg) lên mức bình thường là 158.000 Rp/kg. Tuy nhiên, thịt trâu Ấn Độ cũng đã tăng từ 80.000 Rp ở Lebaran lên 94.900 Rp/kg vào cuối tháng 5. Trong tháng 5, báo chí đã đưa tin về vấn đề nhập khẩu trâu đông lạnh từ Ấn Độ. Cụ thể, chính phủ In-đô-nê-si-a chia sẻ về việc đình chỉ nhập khẩu trong quá trình xem xét rủi ro nhập khẩu sản phẩm nhiễm Covid 19 từ Ấn Độ. Báo chí Ấn Độ đã đăng các bài báo phủ nhận các hạn chế xuất khẩu thịt trâu đông lạnh do bệnh dịch.

Những công-ten-nơ thịt bò Brazil đầu tiên đã cập cảng Jakarta trong tháng 5 và nhiều công khác đang trên đường đến In-đô-nê-si-a. Có 420 tấn tổng cộng trong chuyến hàng đầu tiên của tổng hạn ngạch nhập khẩu cho năm 2021 là 20.000 tấn.

Các nguồn nhập khẩu thịt bò chế biến khác đến từ Úc (nguồn chính), từ Mỹ, New Zealand, và Tây Ban Nha.

Tốc độ nhập khẩu thịt bò chế biến của Úc đang giảm, chỉ 27.206 tấn được nhập trong 4 tháng đầu năm, trên tổng hạn ngạch hàng năm là 187.478 tấn.

Tổng nhập khẩu bò sống trong tháng 4 là 39.659 con, và tháng 3 là 35.680 con. Số lượng gia súc nhập bị giảm khiến số lượng gia súc tại các trang trại vỗ béo tập trung tại In-đô-nê-si-a giảm, góp phần làm giảm nguồn cung thịt bò tươi trong những tháng tới. Mức giảm nhập khẩu hàng năm là hiện tại là 32%.

Các nhà nhập khẩu In-đô-nê-si-a đã mua 429 con trâu sống qua cảng Darwin trong tháng 5, trong khi 223 con khác được xuất khẩu từ Darwin sang Brunei.

Khi nhu cầu từ In-đô-nê-si-a và Việt Nam giảm thì các nhà xuất khẩu tại Úc đang tích cực tìm kiếm các thị trường nhập khẩu khác thay thế. Trong tháng 4, họ đã xuất gia súc sống sang Malaysia (1.893 con), Brunei (4.128 con) và Phi-líp-pin (1.390 con).

Vào ngày 1 tháng 6, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Bò thông báo Công ty Gia súc Bắc Úc, từng là một trong những nhà xuất khẩu gia súc sống lớn nhất của Úc, tuyên bố phá sản, với khoản nợ thương mại 3,6 triệu đô la Úc. Đây là một cảnh báo nghiêm trọng, vạch rõ tính chất bất cân bằng của thương mại tại thời điểm hiện tại, khi các nhà sản xuất đang nhận được lợi nhuận kỷ lục thì các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến, và khách hàng bán lẻ đang gặp khó khăn.

Diễn biến của đại dịch tại In-đô-nê-si-a đang thay đổi tùy thuộc vào từng khu vực. Trong khi tình hình dịch bệnh tại Bali được cải thiện với chương trình tiêm chủng vắc xin đại trà thì phần còn lại của đất nước phải đối mặt với đợt bùng dịch mới, khi một số lượng lớn người lao động di chuyển về quê và quay lại thành phố (mặc dù bị cấm) trong lễ hội Lebaran.

Giá gia súc non tại Darwin đã giảm nhẹ từ 4,20 đô la Úc/kg vào tháng 4 xuống 4,10 đô la Úc/kg vào tháng 5. Giá gia súc trưởng thành tại Townsville cũng giảm một chút trong tháng 5 từ 3,80 đô la Úc/kg xuống còn khoảng 3,65 đô la Úc/kg trong tháng 4.

Việt Nam: Thịt bò trưởng thành có giá 4,58 đô la Úc/kg (1 đô la Úc ~17.900 đồng)

Trong tháng 5, giá thịt bò trưởng thành tục duy trì ổn định ở mức 82.000 đồng/kg hơi. Sau tháng 3 không nhập khẩu, thì trong tháng 4 chỉ có 3.713 con được nhập khẩu (trong một chuyến hàng). Tính đến cuối tháng 4, xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam đã giảm 59%. Thông tin tại một số cảng chính đưa ra là có khoảng 19.000 con đã được xuất khẩu sang Việt Nam trong tháng 5. Lý do của sự chênh lệch trên là do số liệu thống kê quốc gia duy nhất của Úc đến từ các cơ quan chính phủ, và đến từ tổ chức Thịt và Gia Súc Úc (MLA), do đó có sự chậm trễ một cách khách quan giữa số liệu thực tế và báo cáo. Những con số này không cần giữ bí mật (tổng số hàng tháng) nên các cơ quan chính phủ không có động cơ gì để gây chậm trễ trong việc cung cấp thông tin, và mỗi chuyến tàu xuất khẩu rời cảng đều được ghi lại. Các quy trình hành chính cũ dùng để quản lý xuất khẩu gia súc sống tốn chi phí rất cao và đánh lên đầu các nhà xuất khẩu. Các thủ tục giấy tờ hành chính trước đây cũng đã gây ra rất nhiều vấn đề. Trái lại, hệ thống quản lý điện tử cho phép dữ liệu luôn có sẵn và giảm chi phí cho mọi người.

Bệnh da sần (LSD) tiếp tục là vấn đề nhức nhối ở một số vùng của Việt Nam. Bệnh này lần đầu tiên xuất hiện là ở gần biên giới Trung Quốc vào năm 2020 và đã lây lan sang nhiều huyện mặc dù hiện tại không báo cáo trên các trang thông tin điện tử. Các chương trình tiêm chủng đã bắt đầu với ít nhất 50.000 liều đã được tiêm và sẽ tiếp tục tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Bệnh da sần hiện là dịch bệnh đặc hữu ở châu Phi, một số khu vực của Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2015, dịch bệnh đã lây lan sang hầu hết các nước như Balkan, Caucasus và Liên bang Nga, nơi dịch bệnh đang tiếp tục lây lan. Kể từ năm 2019, một số đợt bùng phát mới đã được báo cáo tại các nước như Băng-la-đét, Ấn Độ, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Bu-tan, Hồng Kông, Nê-pan, Sri-Lan-Ka, Mi-an-ma và gần đây nhất là Thái Lan.

Trung Quốc: Giá gia súc trưởng thành 6,55 đô la Úc/kg hơi (1 đô la Úc ~ 4,95 Tệ)

Giá gia súc trưởng thành của Trung Quốc có xu hướng tiếp tục giảm, với mức giảm từ 33,2 tệ/kg trong tháng 4 xuống còn 32,4 tệ/kg trong tháng 5. Điều này có nghĩa là giá trung bình giảm nhẹ với mức 6,55 đô la Úc/kg hơi, trong khi tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ giảm mạnh. Giá cả giảm ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Điều khó hiểu là giá thịt bò và thịt lợn bán lẻ giảm nhẹ hoặc không thay đổi; và Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP và tiêu dùng nội địa tăng đột biến khi phục hồi sau Covid. Hầu như tất cả các báo cáo về xuất khẩu thịt bò trên khắp thế giới đều cho thấy nguồn cung đang khan hiếm, và giá đang tăng từ tất cả các nguồn. Và Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt bò lớn nhất thế giới với tỷ suất lợi nhuận lớn. Vậy tại sao giá các mặt hàng tiêu dùng chủ chốt này lại liên tục giảm kể từ tháng 10 năm 2020?

Phi-líp-pin: Giá gia súc trưởng thành 3,50 đô la Úc/kg (1 đô la Úc ~ 37,1 Peso)

Tiếp tục không có thay đổi về giá gia súc trưởng thành trong tháng này. Tôi nhận được các tín hiệu trái chiều từ các nguồn tin của mình, với một số báo cáo rằng tại một số khu vực nhất định giá đang ổn định dần sau đợt đóng cửa do đại dịch, trong khi những người khác lại báo cáo rằng tình hình dịch bệnh đang trở nên tồi tệ hơn rõ rệt. Tỷ lệ tiêm chủng Covid rất thấp và luật giãn cách xã hội đang được áp dụng tại nhiều địa phương dưới các mức độ giãn cách khác nhau.

Tính đến hết tháng 4 mới có 1 chuyến hàng xuất khẩu bò từ Úc sang Phi-líp-pin. Năm 2019, tổng cộng có 14.500 con được nhập khẩu, trong khi năm 2020 con số này đã tăng lên 17.500 con.

Thái Lan: Giá gia súc trưởng thành 4,28 đô la Úc/kg (1 đô la Úc ~ 24,3 bạt)

Giá gia súc trưởng thành giảm trong tháng 5 do những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc lây lan dịch bệnh Da sần, lần đầu tiên đuộc phát hiện ở nước này. Khoảng 7.200 con đã bị ảnh hưởng trên khắp 35 tỉnh thành. Các nhà chức trách đã đóng cửa chặt chẽ những khu vực bị nhiễm bệnh và bắt đầu chương trình tiêm phòng với hy vọng ngăn chặn nó lây lan ra các đàn gia súc khác trong nước.

Thị trường thịt bò thế giới giống như một cộng đồng liên kết chặt chẽ với nhau.

  • Giá gia súc ở Bờ-ra-zin (nước xuất khẩu lớn nhất thế giới) đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua do nguồn cung gia súc trưởng thành giảm và nhu cầu cao, đặc biệt là từ Trung Quốc.
  • Giá bán lẻ cao (tăng 66% trong một năm) ở Ác-hen-ti-na (nước xuất khẩu lớn thứ 4) đã khiến chính phủ phải ngừng xuất khẩu. Giá cả đã tăng trên toàn thế giới. Các nhà chăn nuôi ở Ác-hen-ti-na đã phản ứng bằng cách ngừng bán hàng cho các lò mổ, thu hẹp nguồn cung cho người tiêu dùng ở Ác-hen-ti-na. Mâu thuẫn vẫn tiếp tục diễn ra.
  • Một số lò mổ ở Ác-hen-ti-na thuộc sở hữu của các nhà chế biến thực phẩm lớn của Bờ-ra-zin và Ác-hen-ti-na xuất khẩu 70% tổng số thịt bò sang Trung Quốc.
  • Nhu cầu bùng nổ từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, khiến nguồn cung thế giới cạn kiệt.

  • Hoa Kỳ đang phải trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến sản lượng ngũ cốc giảm và giảm nguồn cung cấp thành phẩm cho gia súc. Giá ngũ cốc thế giới đang tăng.
  • Trung Quốc trừng phạt Úc (nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới) bằng cách cấm một số lò mổ nhập khẩu từ Úc.
  • Nguồn cung của Úc bị hạn chế nghiêm trọng do việc tái thiết đàn sau đợt hạn hán/ lũ lụt/ hỏa hoạn khiến giá bò tăng cao kỷ lục.
  • Ấn Độ (nước xuất khẩu thịt đứng thứ 3 thế giới) đang gặp vấn đề về sản xuất và xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
  • Tin tặc Nga làm gián đoạn hoạt động của JBS-công ty chế biến thịt bò lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Bờ-ra-zin. Sự gián đoạn này đủ lớn để làm thay đổi nguồn cung ngắn hạn trên thế giới và gây ra sự tăng vọt về giá.
  • Dịch bệnh ở lợn tại Trung Quốc giết chết 25% số lợn trên thế giới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thịt nghiêm trọng. Thịt bò nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới đang được tiêu thụ để thay thế cho thịt lợn.
  • Ảnh hưởng kết hợp từ đại dịch Covid 19 và bệnh Da sần trên bò đã làm gián đoạn hoạt động buôn bán gia súc sống trên khắp Đông Nam Á và Trung Quốc.
  • Covid 19 cũng đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động thương mại vận tải hàng hóa bằng đường bộ và vận tải biển trên thế giới, khiến thời gian giao hàng tăng, chi phí vận chuyển thịt bò tăng, và mọi thứ khác cũng tăng lên ở mọi nơi.
  • Tác động ròng của tất cả các yếu tố này khiến nguồn cung giảm và giá thịt bò cao hơn trong ngắn hạn và trung hạn.

Những con số này được quy đổi sang Đô la Úc (AUD) từ các loại tiền tệ tương ứng và luôn thay đổi hàng ngày. Do đó, giá thực tế ở đây có thể bị thay đổi đôi chút do tỉ giá ngoại hối biến động liên tục. Các con số về Đô la Úc được trình bày dưới đây thể hiện xu hướng đáng tin cậy hơn so với giá từng ngoại tệ riêng lẻ. Phần thịt bò gọ và phần lạc mông được sử dụng để định giá trong siêu thị và trợ truyền thống, được trình bày dưới bảng sau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Share the Post:

Related Posts